Đội bóng rổ Saigon Heat ăn nên làm ra

Đội bóng rổ Saigon Heat ăn nên làm ra

Đội bóng rổ Saigon Heat ăn nên làm ra Trong khi các câu lạc bộ bóng đá phải sống nhờ vào chu cấp từ các ông bầu doanh nghiệp, thì đội bóng rổ nhà nghề đầu tiên của Việt Nam lại kiếm tiền khá tốt.

Ngay từ sáng sớm chủ Nhật, cậu bé Thanh Lâm đang học lớp 4 tại quận 4 háo hức nhắc ba chuẩn bị đến Nhà thi đấu Trường Quốc tế CIS, quận 7. Bản thân cậu đã chỉn chu trong bộ đồ màu sắc rực rỡ cùng phụ kiện đi kèm như mũ, giày…

Anh Thanh, ba của cậu bé cho biết cứ cuối tuần là anh phải đưa cậu con trai mê thể thao đến CIS vì ở đó có đội bóng rổ mà cậu yêu thích là Saigon Heat. Ngoài tiền sắm sửa quần áo đúng hiệu để cổ vũ, một buổi đi xem bóng rổ được anh Thanh liệt kê tốn khoảng 600.000 đồng, trong đó vé cho 2 ba con khoảng 400.000 đồng, rồi tiền nước, ăn vặt trong lúc theo dõi trận đấu.

Tại nhà thi đấu, hình ảnh hai cha con cùng xem thi đấu bóng rổ như anh Thanh không hiếm, cùng rất nhiều người trẻ và những khán giả đã lớn tuổi vốn mê môn thể thao này trên truyền hình.

SGH-2_1410317206.jpg

Đội Saigon Heat trong trang phục áo đỏ

Thành lập từ năm 2011 bởi Việt kiều Connor Nguyễn, Saigon Heat đến nay được xem là một trong những gương mặt sáng giá đi thi các giải đấu bóng rổ cấp quốc gia và trong khu vực Đông Nam Á. Ông Connor cho hay: "Saigon Heat đặt mục tiêu dài hạn là phát triển các đội tuyển thi đấu ở nhiều môn thể thao khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi chọn kinh doanh bóng rổ trong giai đoạn đầu vì môn này tại Việt Nam chưa phát triển, cũng không nhiều đội bóng rổ hoạt động dưới hình thức một công ty như các đội bóng đá. Vì vậy, phát triển một mô hình chưa có gì sẽ tốt hơn một mô hình đã có nền móng".

Để kinh doanh bóng rổ nhà nghề tại Việt Nam, Saigon Heat áp dụng mô hình kinh doanh thể thao như ở Mỹ, lấy nguồn thu chủ yếu từ các nhà tài trợ. Hiện, đội có 8 nhà tài trợ về tài chính, địa điểm tập luyện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe... bên cạnh việc bán áo đấu, hàng lưu niệm, cộng với thu tiền từ việc bán bản quyền cho các kênh truyền hình hoặc Youtube.

Bên cạnh đó, Saigon Heat còn nguồn thu khá tốt từ tiền vé. Vào mỗi trận, lượng người đến xem trực tiếp khoảng 1.500 dù sức chứa của sân đấu nhỏ hơn nhiều so với bóng đá, với giá vé dao động 70.000 – 300.000 đồng và cao nhất lên tới 500.000 đồng. Đặc biệt, trong mùa giải ABL (mùa giải bóng rổ chuyên nghiệp Đông Nam Á), số lượng trận đấu tại sân nhà có thể lên đến 20 trận.

Không chỉ thu hút giới truyền thông trong nước, đội cũng được các hãng nổi tiếng như Reuters, tạp chí Asia Life, World Magazine… để mắt đến. Điều này là một chiến thuật tạo lợi thế phát triển không nhỏ giúp thu hút nhà tài trợ để trong tương lai không xa, Saigon Heat sẽ hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Cũng giống như các môn thể thao khác, để một đội bóng rổ hoạt động tốt, đặc biệt là thi đấu ở các giải quốc tế, rất cần cầu thủ chất lượng. Tại Saigon Heat, ngoài các cầu thủ nội, đội có hẳn huấn luận viên và một số cầu thủ chuyên nghiệp từ Mỹ đến đầu quân. "Khi chọn cầu thủ nước ngoài, ngoài trình độ chơi bóng, ở họ còn phải có tinh thần sẵn sàng hướng dẫn người khác, đặc biệt là cho các cầu thủ trong nước", ông Connor nói.

Theo tiết lộ của một cầu thủ trong đội, mức lương mà anh nhận dù không bằng với giải nhà nghề Mỹ, nhưng cũng không kém xa, ngược lại khá cao so với mức thu nhập của các vận động viên thể thao tại Việt Nam.

Ông Connor Nguyễn cũng chia sẻ thêm, khi đào tạo nhân tố mới, đội không dùng tiền lương để lấy cầu thủ của đội khác về. Thay vào đó, lãnh đạo đội sẽ chọn những người có tố chất, chưa có kinh nghiệm để đào tạo. Tuy nhiên, trong khi những người được thi đấu chính được trả lương tuỳ theo trình độ, những cầu thủ này không được trả lương nhưng bù lại họ được làm việc với những huấn luyện viên lâu năm cùng đàn anh chuyên nghiệp hướng dẫn. "Với sự đầu tư đó, chúng tôi sẽ đưa họ thi đấu cho những giải như Sea Games sau này", giám đốc điều hành Saigon Heat cho biết.

Vì chi phí để duy trì hoạt động của một công ty kinh doanh về thể thao tương đối lớn, không ít các câu lạc bộ bóng rổ trước đó đã phải đóng cửa vì không kiếm được lợi nhuận sau vài năm hoạt động. Không tiết lộ về doanh thu, tuy nhiên, Saigon Heat từng cho biết trong 3 năm đầu tiên, đội bỏ ra từ 600.000 USD (12 tỷ đồng) đến 2 triệu USD để đầu tư và quỹ lương không được quá 50% dự trù kinh phí. Đặc biệt, trong thành phần ban điều hành chủ chốt của Saigon Heat có ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng sẽ giúp đảm bảo nguồn tài trợ khá ổn định nhờ nhiều thương hiệu kinh doanh đình đám mà ông đang nắm giữ.

Trong mùa giải 2014, Saigon Heat sẽ đấu tất cả 20 trận kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 10, trong đó 10 trận lượt về sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Trường Quốc tế CIS, quận 7.

Ngọc Trần

, ,

Previous
Next Post »